THỦ THUẬT LÂM SÀNG VÀ MỘT SỐ LƯU Ý ĐỂ SO MÀU RĂNG TỐT HƠN
Tiêu chuẩnSo màu răng là việc làm hàng ngày của hầu hết các bác sĩ nha khoa chúng ta. Đánh giá màu răng và trao đổi thông tin về màu răng là một giai đoạn quan trọng giúp các phục hồi có được sự tự nhiên và hài hòa như răng thật. Công cụ phổ biến nhất để làm điều này chính là các bảng so màu thủ công. Ngày nay, nha sĩ sử dụng chúng không chỉ để so màu răng mà còn để so màu cùi răng, so màu nướu và thậm chí là cả màu da nữa.
1. Một số bảng so màu phổ biến
Bảng so màu răng được phát triển vào cuối thập niên 1920, khi lý thuyết màu của Munsell được chấp thuận, cùng với xu hướng phát triển của vật liệu sứ trong phục hình nha khoa. Về không gian màu Munsell, mình đã giới thiệu sơ tại đây. Từ đó đến nay, có rất nhiều bảng so màu khác nhau đã được các hãng phát triển và giới thiệu. Tuy nhiên, hiện tại trên lâm sàng chúng ta thường gặp các bảng so màu sau:
- VITA Classic
Là bảng so màu được biết đến và sử dụng nhiều nhất.
Được giới thiệu từ năm 1927, đến nay VITA Classic vẫn còn được VITA Zahnfabrik (Bad Sackingen, Đức) sản xuất. Là một bảng so màu dựa trên tông màu (hue-based), 16 cây so màu của VITA Classic được chia thành 4 nhóm tông màu chính: A = nâu đỏ, B = vàng đỏ, C = xám, D = xám đỏ. Mỗi nhóm tông màu cơ bản này lại tiếp tục đươc chia nhỏ thành khoảng 3 đến 5 biến thể, cùng tông màu và tăng dần về độ bão hòa (chroma). Chẳng hạn như nhóm màu A có A1, A2, A3, A3.5, A4; nhóm B có màu B1, B2, B3, B4. Mỗi cây so màu đều thể hiện một độ sáng tối (value) nhất định và có thể được xếp lại theo thứ tự từ sáng đến tối nhất.
- Chromascop
Được sản xuất bởi Ivoclar Vivadent, cũng là một bảng so màu dựa trên tông màu. Nó có khoảng 20 màu thuộc 5 nhóm tông màu: nhóm 100 = trắng, nhóm 200 = vàng, nhóm 300 = nâu sáng, nhóm 400 = xám, nhóm 500 = nâu tối. Mỗi nhóm tông màu có 4 biến thể với độ bão hòa tăng dần (chẳng hạn như nhóm 100 có 110, 120, 130 và 140)
- VITA 3D Master
Năm 1998, VITA đưa ra bảng so màu VITA 3D Master, được sắp xếp hệ thống hơn và có thiết kế khắc phục được một số thiếu sót của các bảng so màu trước đó.
VITA 3D Master (và các biến thể của nó như Vitapan 3D Master Bleach Guide, Linear Guide) là bảng so màu duy nhất dựa trên độ sáng tối (value-based). Nếu tính cả các màu răng tẩy trắng thì nó có tổng cộng 29 màu, với 6 nhóm theo độ sáng tối: 0, 1, 2, 3, 4 và 5 (trong đó nhóm 0 là sáng nhất, độ sáng cao nhất và nhóm 5 là tối nhất, độ sáng thấp nhất). Mỗi nhóm này cách nhau đúng 5DE trong không gian màu (DE là đơn vị đo khoảng cách trong không gian màu, mắt người phân biệt được khoảng cách từ 2DE trở lên). Trong mỗi nhóm độ sáng lại có 3 biến thể tông màu: M = tông màu tiêu chuẩn, L = ánh vàng, R = ánh đỏ. Mỗi nhóm tông màu lại được chia tiếp thành 2 hoặc 3 biến thể về độ bão hòa (chẳng hạn như 1M1, 1M2, 1M3).
2. Nhược điểm của bảng so màu thủ công
Hầu hết các bảng so màu nói trên đều có phạm vi khá hạn chế so với khoảng màu răng của con người. 16 màu của VITA Classic chỉ chiếm khoảng 6% khoảng màu răng của con người. VITA 3D Master thì rộng hơn, tuy nhiên cũng chỉ được khoảng 25%. Khi kết hợp cả hai thì có thể vào khoảng 52%. Các bảng so màu thông dụng khác có thể rơi vào đâu đó giữa phạm vi của 2 bảng so màu này.
Bên cạnh đó, theo Munsell, độ sáng tối thể hiện mức sáng quang học, lượng ánh sáng của màu sắc. Cảm nhận độ sáng tối của vật thể là chức năng của tế bào hình que. Tế bào hình nón thì nhạy cảm với màu sắc. Mắt người có khoảng 120 triệu tế bào hình que và 6-7 triệu tế bào hình nón. So sánh tương quan ta có thể thấy mắt người nhạy cảm với độ sáng tối của vật thể hơn gấp nhiều lần so với tông màu. Chỉ một khác biệt nhỏ giữa độ sáng tối của phục hình và răng thật cũng có thể dễ dàng bị phát hiện và trở thành bất hài hòa. Hơn nữa, khoảng tông màu của răng người khá là hẹp. Do đó, có thể thấy sự tương đồng về độ sáng tối quan trọng hơn nhiều so với một tông màu hoàn hảo. Tuy nhiên hầu hết các bảng so màu hiện tại đều là loại dựa trên tông màu, chỉ có duy nhất VITA 3D Master là loại dựa trên độ sáng tối.
3. Một vài lưu ý để tối ưu hóa việc so màu răng
Tuy còn hạn chế về phạm vi màu sắc và có thiết kế chưa lý tưởng, các bảng so màu thủ công vẫn đang gắn bó rộng rãi với quá trình thực hành lâm sàng hàng ngày, trên labo và cả trong quy trình sản xuất vật liệu nha khoa. Chúng ta vẫn buộc phải sử dụng chúng một cách tối ưu nhất trong khả năng của mình. Sau đây là một số lời khuyên để có thể so màu và trao đổi thông tin màu răng tốt hơn:
- Sử dụng bảng so màu tương ứng với màu được sản xuất. Các nhà sản xuất thường cung cấp các sản phẩm của họ (như răng nhựa, bột sứ, khối sứ, composite, nhựa acrylic) dưới các màu tương ứng với một trong các bảng so màu thông dụng. Hãy sử dụng bảng so màu tương ứng đó. Lý tưởng hơn, nên sử dụng bảng so màu được làm từ chính vật liệu phục hồi trên thực tế nếu có. Vì các đặc tính quang học và đặc tính bề mặt thay đổi rất nhiều giữa loại vật liệu này và loại vật liệu khác, thậm chí là giữa hãng này với hãng khác. So màu sứ, composite với bảng so màu bằng nhựa không phải lúc nào cũng chính xác. Nếu nhà sản xuất không có sẵn bảng so màu như vậy, nha sĩ và kỹ thuật viên nên cân nhắc tự tạo một bảng so màu riêng cho mình từ vật liệu được sử dụng. Với composite, hiện nay đã có các sản phẩm hỗ trợ tạo bảng so màu cá nhân từ vật liệu sử dụng. Điển hình là My Shade Guide Kit của Smile Line.
My Shade Guide Kit – Smile Line
2. Sử dụng nhiều bảng so màu khác nhau để mở rộng phạm vi màu răng bao phủ. Chúng sẽ bổ trợ lẫn nhau, giúp tăng thêm khả năng tìm được màu phù hợp.
3. Luôn tìm độ sáng trước tiên. Hãy mua một bảng so màu được sắp sẵn theo độ sáng hoặc tự xếp chúng theo độ sáng từ sáng nhất tới tối nhất. Đa số các nhà sản xuất đều có khuyến cáo về thứ tự sắp xếp theo độ sáng cho bảng so màu của họ. Để tiết kiệm thời gian và hỗ trợ việc tìm tông màu và độ bão hòa màu sau đó, có thể mua thêm một bảng so màu thứ hai được xếp sẵn theo các nhóm tông màu.
Bảng so màu Vita Classic xếp theo thứ tự về độ sáng. Hình như có gì đó không ổn ở đây???
4. Nguồn sáng: không nên chiếu đèn ghế nha trực tiếp vào bệnh nhân, nên có nguồn sáng gián tiếp với nhiệt độ màu khoảng 5500K. Cường độ sáng phải đủ để loại bỏ các ánh sáng xung quanh. Tuy nhiên cũng không được quá mạnh để không làm mất đi sự chênh lệch giữa các màu và thoải mái cho mắt. Nguồn sáng cần ổn định để không phụ thuộc vào thời gian trong ngày, và tốt nhất là có thể đồng bộ nguồn sáng giữa phòng nha và lab. Hiện này có rất nhiều sản phẩm đèn chuyên dụng hỗ trợ cho điều này. Một số đèn còn cho phép tạo các nguồn sáng khác nhau để tránh hiện tượng metamerism.
Các loại đèn so màu chuyên dụng.
5. Nên kết hợp với ảnh chụp: ảnh chụp có khi không hoàn toàn giống với màu trên thực tế, tuy nhiên vẫn rất hữu ích để đánh giá sự tương quan và các đặc điểm nhỏ. Luôn chụp ảnh kèm với cây so màu để kỹ thuật viên có thể so sánh sự khác biệt và điều chỉnh phù hợp. Sử dụng ống kính macro với đèn flash chuyên dụng. Nếu dùng flash cóc đi kèm máy, hãy cho bệnh nhân ngồi dậy và hơi thu cằm lại để đèn flash không bị phản chiếu gắt trên vùng chụp.
6. Cây so màu: nên đặt song song với răng, không nên đặt ra trước, lui sau hay nghiêng quá.
7. Nguyên tắc 5 giây: không nên nhìn quá 5 giây vì mắt sẽ bị mỏi. Sự lựa chọn đầu tiên luôn chính xác nhất. Có thể hạn chế sự mỏi bằng cách thỉnh thoảng nhìn vào một bề mặt trung tính hoặc màu xanh dương (màu bù trừ với màu răng) của tấm khăn phủ bệnh nhân.
8. Loại bỏ màu nền: nên lau hết son môi hay phủ những trang phục có màu sáng. So màu với nền màu cố định (màu đen hoặc trung tính).
9. Với những trường hợp khó: nên mời kỹ thuật viên đến so màu trực tiếp hoặc chuyển bệnh nhân đến lab.
4. Quy trình sử dụng các bảng so màu thủ công
Bên cạnh những lưu ý nói trên, với bảng so màu thủ công, chúng ta cần tiếp cận và sử dụng chúng một cách hệ thống và có trình tự. Sau đây là các bước được khuyến cáo khi sử dụng các bảng so màu thủ công.
- Với các bảng so màu dựa trên tông màu (VITA Classic, Chromascop):
Bước 0: Kiểm tra và tối ưu hóa điều kiện ánh sáng xung quanh hoặc sử dụng đèn chuyên dụng để có nguồn ánh sáng lý tưởng khi so màu.
Đèn Smile Lite, có thể gắn kèm với điện thoại để kết hợp chụp ảnh. Hiện đã có mặt tại Việt Nam.
Bước 1: Chọn độ sáng. Xếp lại bảng so màu theo độ sáng (sáng nhất đến tối nhất) với cạnh cắn hướng lên trên. Làm ướt nhẹ cây so màu và răng của bệnh nhân để loại bỏ sự khác biệt bề mặt. Hơi nheo mắt, lướt nhanh bảng so màu ngang qua răng cần so. Tập trung vào ranh giới giữa 1/3 cắn và 1/3 giữa, chỉ quan tâm đến tương quan độ sáng tối. Thường ta sẽ chọn được 2-3 cây so màu có vẻ tương đồng với khoảng sáng của răng. Nếu như có máy ảnh kỹ thuật số, ta có thể chụp thêm 2 ảnh giữa các cây so màu này với răng. Một ảnh trắng đen và một ảnh màu. Ảnh trắng đen thể hiện thông tin về độ sáng, giúp xác định sự tương đồng về độ sáng, trong khi ảnh màu có thể dùng để đánh giá tông màu và độ bão hòa.
Bước 2: Tìm tông màu. Xếp lại bảng so màu theo nhóm tông màu và xoay lại phần cổ răng hướng lên trên. Nếu có nhiều hơn một nhóm tông màu ở độ sáng đã chọn, ta sẽ phải xác định xem tông màu nào sẽ cho kết quả giống nhất. Để so tông màu, tập trung chủ yếu vào phần nối giữa 1/3 cổ và 1/3 giữa. Nếu sử dụng bảng so màu VITA Classic, nên mài bỏ phần cổ của cây so màu vì vùng đó thường đậm màu và có thể gây nhiễu tông màu thật. Cố gắng loại bỏ những tông màu không giống trước, để lại một tông màu nhìn chung có sự tương đồng cao nhất.
Để thuận lợi, ta có thể mua 2 bảng so màu giống nhau. Xếp lại một bảng so màu theo độ sáng (sáng nhất đến tối nhất) với cạnh cắn của cây so màu hướng lên trên. Bảng so màu còn lại vẫn để như cũ theo nhóm tông màu với phần cổ răng hướng lên trên.
Bước 3: Xác định độ bão hòa. Một khi đã chọn được tông màu tương đối, tháo các cây so màu ra khỏi bảng so màu, xòe ra và đưa ngang qua răng cần so. Kiểm tra một chút ta sẽ chọn được một cây so màu có độ bão hòa giống răng cần so nhất. Sau cùng, hãy chụp ảnh đen trắng và ảnh màu có cây so màu đã chọn đặt cạnh răng thật để giúp đánh giá lại độ sáng, tông màu và độ bão hòa một lần cuối.
- Với bảng so màu dựa trên độ sáng (VITA 3D Master)
Bước 0: Đánh giá lại điều kiện ánh sáng trên lâm sàng cũng như xung quanh hoặc sử dụng đèn so màu chuyên dụng để tạo được môi trường sáng lý tưởng nhất.
Đèn Brite Lite 2. Có thể tùy chỉnh 3 mức ánh sáng khác nhau để tránh hiện tượng metamerism.
Bước 1: Chọn độ sáng. Nên bỏ bớt các nhóm tông màu R và L, chỉ để lại nhóm màu M. Để thuận tiện hơn có thể đặt mua một bộ Valueguide 3D Master (VITA) chỉ gồm 6 cây so màu của tông màu M.
Bắt đầu từ tối nhất cho đến sáng nhất, hơi nheo mắt và lướt các cây so màu ngang qua răng và sử dụng biện pháp loại trừ. Sẽ rất dễ để loại bớt một số nhóm quá sáng hoặc quá tối. Tháo các cây so màu này ra khỏi bảng. Tập trung vào các cây so màu còn lại và chọn ra nhóm có độ sáng tương đồng nhất. Vì là yếu tố quan trọng nhất, tốt hơn hết là hãy kết hợp thêm ảnh đen trắng và ảnh màu. Chụp ảnh răng kèm với 2 cây so màu, một cây so màu có độ sáng gần với răng nhất và một cây là cây so màu có độ sáng gần giống thứ hai.
Bước 2: Xác định độ bão hòa. Rút nhóm màu M đã được chọn ở bước trước ra khỏi bảng và xòe rộng. Đưa lần lượt các cây so màu vào vị trí ngang hàng, bên cạnh răng cần so để quan sát. Chọn cây so màu có độ bão hòa giống nhất trong 3 cây. Nếu màu này đã rất giống về độ sáng và độ bão hòa, có thể ta sẽ không cần phải xem xét sự khác biệt tông màu nữa.
Bước 3: Khẳng định hoặc trau chuốt lại tông màu. Tông màu M là màu cam, ngay chính giữa khoảng màu từ vàng đến đỏ. Các nghiên cứu đã cho thấy tông màu này gần giống với hơn 50% dân số. Tuy nhiên, nếu cảm thấy tông màu thật sự của răng cần so hơi thiên về khoảng vàng hoặc đỏ, ta nên xem xét thêm tông màu L (vàng) và R (đỏ). Các tông màu này chỉ có 2 biến thể về độ bão hòa, một sáng và một tối. Khi không phân vân gì về tông màu, cũng nên kiểm tra để khẳng định lại là hai tông màu này không giống bằng tông màu M.
Và cuối cùng, luôn đánh giá sau cùng bằng cách chụp một ảnh đen trắng và một ảnh màu.
5. Lời kết
So màu răng vốn là một công việc đòi hỏi nhiều kỹ năng của người nha sĩ, tuy nhiên tin vui là kỹ năng này có thể cải thiện được nhờ rèn luyện. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của ảnh kỹ thuật số, ngày nay, việc đánh giá màu răng đã không còn nhiều chủ quan, quá trình trao đổi màu sắc cũng đã trở nên thuận tiện và hiệu quả hơn trước. Dù cho có sử dụng bảng so màu nào đi nữa, ta cũng cần hiểu rằng cây so màu chỉ là tổng hòa các sắc thái màu chung nhất của răng, giúp bác sĩ có một nền tảng màu để xuất phát đúng. Một cây so màu không thể ghi lại được tất cả các thông tin màu sắc cần thiết. Quá trình mô phỏng lại màu răng trên phục hình còn cần rất nhiều kỹ năng và sự phối hợp giữa nha sĩ và kỹ thuật viên nữa. Hy vọng những thông tin cơ bản trên đây có thể giúp mọi người bớt rối rắm với màu răng và sử dụng các bảng so màu thủ công một cách hiệu quả hơn. Chúc các bạn thành công
Nguồn hình ảnh: Dr.Rade Paravina, Dr. Edward McLaren, Vita Zahnfabrik, Ivoclar Vivadent, SmileLine, AdDent
Nguồn tham khảo : Bs TRẦN NGỌC HẢI